Giải pháp tự học để bắt nhịp yêu cầu kiểm tra đánh giá thời 4.0
Thay đổi cách kiểm tra đánh giá luôn hàm chứa tác động tích cực tới quá trình dạy học. Trong xu thế tăng cường cá nhân hóa năng lực người học, nhiều nhà trường đã mạnh dạn lựa chọn các giải pháp hỗ trợ để học sinh trở thành người làm chủ mọi “cuộc chơi”. Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trường Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) đã có những chia sẻ cởi mở với PV Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò tự học trong quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh? Nhà trường đã áp dụng giải pháp gì để tăng cường khả năng cá nhân hóa việc học tập?
- Trong xu thế kiểm tra đánh giá mới, cùng với việc lĩnh hội kiến thức tư các giờ học trên lớp, việc tự học đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp học sinh củng cố, khắc sâu hơn những điều đã học hoặc mở rộng, phát hiện những kiến thức mới cho bản thân. Quan trọng hơn cả, tự học sẽ giúp học sinh phát triển nhiều kỹ năng và phẩm chất…
Để giúp học sinh tự học, nhà trường đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó việc tạo môi trường tự học cho học sinh là điều được quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Môi trường thuận lợi đã có thể bao gồm:
Từ giáo viên: Các thầy cô giáo tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy; giao bài, giao việc phù hợp cùng với những động viên, khuyến khích, hỗ trợ học sinh.
Từ khai tác mạnh mẽ các ứng dụng của CNTT: 100% cán bộ giáo viên, học sinh đều có tài khoản Office 365 bản quyền để khai thác trong việc tìm kiếm, lưu trữ, chia sẻ tư liệu cũng như trong kiểm tra đánh giá; 100% học sinh có tài khoản bản quyền hỗ trợ học tiếng Anh trực tuyến.
Bên cạnh đó, từ năm học 2019-2020, để hỗ trợ tối đa cho việc tự học và kiểm tra đánh giá, 100% học sinh của trường đã được cấp tài khoản trên hệ thống Onluyen.vn. Tài khoản này là giải pháp cá nhân hóa quá trình học tập của người học, giúp giáo viên nắm được cụ thể, chi tiết năng lực của từng học sinh. Đây là môi trường rất tốt để tự học, tự kiểm tra, đánh giá cũng như lên kế hoạch học tập phù hợp nhất với bản thân.
- Trường THPT Phan Huy Chú luôn tiên phong trong đổi mới và cập nhật các phương pháp dạy học. Để chuẩn bị cho việc đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh, nhà trường đã có những bước chuẩn bị gì, thưa ông?
- Trong xu thế dịch chuyển để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng năng lực, điều đầu tiên nhà trường thực hiện là tập trung bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên tiếp cận với những phương pháp giảng dạy tích cực và những đổi mới trong kiểm tra đánh giá, bám sát nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng với việc đáp ứng yêu cầu hiện tại và những đổi mới giáo dục trong tương lai, nhà trường luôn chú trọng cung cấp các công cụ về công nghệ để giúp các nhà giáo đổi mới và sáng tạo không ngừng; học sinh có môi trường học tập thuận lợi, hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng các nền tảng cho phép “chẩn đoán” năng lực học sinh, nhằm hỗ trợ thầy cô giáo thực hiện giảng dạy phân hóa, giúp định hướng phân luồng học sinh hiệu quả. Chúng ta hiểu rằng, mỗi học sinh có một năng lực học tập khác nhau, do đó, việc làm sao có thể nhận biết khả năng học sinh để có những hỗ trợ kịp thời là hết sức quan trọng.
- Ông có thể chia sẻ về những “điểm cộng” khiến Ban giám hiệu nhà trường quyết định chọn Onluyen để tạo ra cuộc cách mạng thực sự về phương pháp và ứng dụng CNTT trong dạy học?
- Từ phía nhà trường và thầy cô giáo, giải pháp này giúp thực hiện được việc đánh giá học sinh theo mức độ thành thạo kiến thức, từ đó thiết kế chương trình theo định hướng cá nhân hóa học tập của từng nhóm học sinh. Thầy cô giáo được giảm tải trong việc thiết kế bài tập về nhà, bài kiểm tra và bài thi, đồng thời nhận được những báo cáo chi tiết về năng lực của học sinh, từ đó điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để phù hợp với từng học sinh hoặc nhóm học sinh.
Ứng dụng các phần mềm tự học, khảo thí lập giúp các bậc quản lý, thầy cô giáo có cái nhìn sâu sắc hơn về chương trình dạy cho học sinh, biết học sinh thiếu gì, cần thêm gì khi so sánh với tiêu chuẩn chung và riêng. Đồng thời, tạo thói quen và giúp học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi trực tuyến trong tương lai theo định hướng (dự kiến) thi PTTH Quốc gia trên máy tính từ 2021.
Từ hỗ trợ của công nghệ số, giúp học sinh chủ động trong việc lựa chọn kiến thức, lên kế hoạch học tập; Rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết, góp phần phát triển những phẩm chất chủ yếu như chăm chỉ, trách nhiệm và các năng lực cốt lõi khác.
Các phương tiện hỗ trợ, giám sát và tương tác của giáo viên giúp cho việc tự học của học sinh hiệu quả hơn, đồng thời góp phần thay đổi vị thế giữa thầy và trò. Việc giảng dạy của giáo viên sẽ dần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực, thay vì là người áp đặt, chuyển tải tri thức thành người dồng hành, hỗ trợ học sinh.
- Theo ông, một giải pháp công nghệ phục vụ quá trình dạy học nói chung cần đạt được những tiêu chí nào để giáo viên và học sinh có thể sự dụng hiệu quả?
- Tôi đã từng tìm tòi và lựa chọn nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ quá trình dạy học. Tiêu chí cốt lõi của một giải pháp công nghệ tốt dành cho giáo dục là: Giao diện: thân thiện, dễ dùng; Nội dung: đầy đủ, chất lượng; Tạo môi trường tương tác chia sẻ giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh… Và quan trọng hơn nữa là cung cấp các công cụ giúp cá nhân hóa người học, công cụ phân tích thống kê, công cụ kiểm tra đánh giá.
- Trân trọng cảm ơn ông.
KIM THOA (ghi)
Theo báo Giáo dục và thời đại.